TÀI KHOẢN 144
CẤM CỐ, KÝ QUỸ, KÝ CƯỢC NGẮN HẠN
Phương pháp hạch toán kế toán.
Tài khoản này phản ánh các khoản tài sản, tiền vốn của doanh nghiệp mang đi cầm cố, ký quỹ, ký cược ngắn hạn (Thời gian dưới một năm hoặc dưới một chu kỳ sản xuất, kinh doanh bình thường) tại Ngân hàng, Công ty Tài chính, Kho bạc Nhà nước, các tổ chức tín dụng trong các quan hệ kinh tế.
Cầm cố là việc doanh nghiệp mang tài sản của mình giao cho người nhận cầm cố cầm giữ để vay vốn hoặc để nhận các loại bảo lãnh. Tài sản cầm cố có thể là vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, ô tô, xe máy. . . và cũng có thể là những giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu về nhà, đất hoặc tài sản. Những tài sản đã mang cầm cố, doanh nghiệp có thể không còn quyền sử dụng trong thời gian đang cầm cố. Sau khi thanh toán tiền vay, doanh nghiệp nhận lại những tài sản đã cầm cố.
Nếu doanh nghiệp không trả nợ được tiền vay hoặc bị phá sản thì người cho vay có thể phát mại các tài sản cầm cố để lấy tiền bù đắp lại số tiền cho vay bị mất.
Ký quỹ là việc doanh nghiệp gửi một khoản tiền hoặc kim loại quý, đá quý hay các giấy tờ có giá trị vào tài khoản phong toả tại Ngân hàng để đảm bảo việc thực hiện bảo lãnh cho doanh nghiệp.
Ký cược là việc doanh nghiệp đi thuê tài sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc các vật có giá trị cao khác nhằm mục đích ràng buộc và nâng cao trách nhiệm của người đi thuê tài sản phải quản lý, sử dụng tốt tài sản đi thuê và hoàn trả tài sản đúng thời gian quy định. Tiền đặt cược do bên có tài sản cho thuê quy định có thể bằng hoặc hơn giá trị của tài sản cho thuê.
Đối với tài sản đưa đi cầm cố, ký quỹ, ký cược, được phản ánh vào Tài khoản 144 “Cầm cố, ký quỹ, ký cược ngắn hạn” theo giá đã ghi sổ kế toán của doanh nghiệp. Khi xuất tài sản mang đi cầm cố, ký quỹ, ký cược ghi theo giá nào thì khi thu về ghi theo giá đó.
KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA
TÀI KHOẢN 144 - CẦM CỐ, KÝ QUỸ, KÝ CƯỢC NGẮN HẠN
Bên Nợ:
Giá trị tài sản mang đi cầm cố và giá trị tài sản hoặc số tiền đã ký quỹ, ký cược ngắn hạn.
Bên Có:
Giá trị tài sản cầm cố và giá trị tài sản hoặc số tiền đã ký quỹ, ký cược ngắn hạn đã nhận lại hoặc đã thanh toán.
Số dư bên Nợ:
Giá trị tài sản còn đang cầm cố và giá trị tài sản hoặc số tiền còn đang ký quỹ, ký cược ngắn hạn.
MỘT SỐ NGHIỆP VỤ KINH TẾ CHỦ YẾU
1. Dùng tiền mặt, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý hoặc tiền gửi Ngân hàng để ký cược, ký quỹ ngắn hạn, ghi:
Nợ TK 144 - Cầm cố, ký quỹ, ký cược ngắn hạn
Có TK 111 - Tiền mặt (1111, 1112, 1113)
Có TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng (1121, 1122, 1123).
2. Trường hợp dùng tài sản cố định để cầm cố ngắn hạn, ghi:
Nợ TK 144 - Cầm cố, ký quỹ, ký cược ngắn hạn (Giá trị còn lại)
Nợ TK 214 - Hao mòn tài sản cố định (Giá trị hao mòn)
Có TK 211 - Tài sản cố định hữu hình (Nguyên giá).
Trường hợp thế chấp bằng giấy tờ (Giấy chứng nhận sở hữu nhà đất, tài sản) thì không phản ánh trên các tài khoản mà chỉ theo dõi trên sổ chi tiết.
3. Khi nhận lại tài sản cầm cố hoặc tiền ký quỹ, ký cược ngắn hạn:
3.1. Nhận lại tài sản cố định cầm cố, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình (Nguyên giá khi đưa đi cầm cố)
Có TK 144 - Cầm cố, ký quỹ, ký cược ngắn hạn (Giá trị còn lại khi đưa đi cầm cố)
Có TK 214 - Hao mòn tài sản cố định (Giá trị hao mòn).
3.2. Nhận lại số tiền hoặc vàng, bạc, kim khí quý, đá quý ký quỹ, ký cược ngắn hạn, ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt (1111, 1112, 1113)
Nợ TK 112 - Tiền gửi ngân hàng (1121, 1122, 1123)
Có TK 144 - Cầm cố, ký quỹ, ký cược ngắn hạn.
4. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng những cam kết, bị phạt vi phạm hợp đồng bị trừ vào tiền ký quỹ ngắn hạn, ghi:
Nợ TK 811 - Chi phí khác (Số tiền bị trừ)
Có TK 144 - Cầm cố, ký quỹ, ký cược ngắn hạn.
5. Trường hợp doanh nghiệp không thanh toán tiền bán hàng cho người có hàng gửi bán, người bán hàng đề nghị trừ vào tiền đã ký quỹ. Khi nhận được thông báo của người có hàng gửi bán hoặc của người bán hàng, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 144 - Cầm cố, ký quỹ, ký cược ngắn hạn.